Jun 26, 2012

Tóm lược quá trình phát triển của Bin

Ngày 9/12/2011 (15/11/2011) Bin chào đời lúc 5:45 phút sáng.
Khi Bin được hơn 1 tuần tuổi thì nhà Ngoại xảy ra chuyện nên Bin phải dọn về nhà Nội tá túc.
Ở nhà Nội 2 tuần, Bin lại dọn về nhà Ngoại để tổ chức Đầy tháng.
Hơn 2 tháng, Bin đã có thể gọi "mẹ" mỗi khi khóc đòi bú.
3 tháng rưỡi, Bin bắt đầu lật nằm sấp và bắt đầu đòi ăn, bỏ luôn bình bú, chỉ chịu bú mẹ thôi.
Gần 4 tháng, Bin đã ăn cháo nghiền và ăn bột, đúc sữa.
5 tháng rưỡi, sau khi đi Vũng Tàu về, Bin bị nổi dị ứng. Rất là tội nghiệp.
6 tháng, Bin đã bắt đầu ê a "ba ba" "mum mum" "ma ma", và không quên gọi "mẹ", có thể ngồi nhưng chưa vững.
6 tháng rưỡi, mẹ bắt đầu cho Bin ăn thử váng sữa. Hy vọng Bin có thể lên ký tí xíu nữa.





Đến bây giờ mới biết ...

Thỉnh thoảng tôi vẫn ngẫu hứng kể với chồng về mẹ chồng của tôi, và tôi cảm thấy tốt nhất không nên nói. Những câu nói "vô tư và hồn nhiên" của mẹ chồng khiến tôi phải ái ngại. Mẹ chồng tôi vui ra mặt khi đứa cháu ngoại sắp chào đời trong tương lai. Và cái niềm vui đó tôi đã không cảm nhận được khi tôi lần đầu thai nghén, có lẽ mẹ chồng tôi cũng vui nhưng đối với con dâu thì niềm vui đó bà đem giấu trong lòng hay sao ?
Mẹ chồng tôi bảo: bé Vy có bầu mới sáng 6g nó đã đi xuống lục đồ ăn rồi, tội nghiệp chắc là đói lắm, cũng may hôm qua nấu sẵn nồi bò kho. Mới đó mà mẹ chồng tôi đã quên con dâu mình có bầu thế nào rồi sao ? 5-6 g sáng là tôi phải dậy tự nấu cơm sáng cơm trưa cho mình, nên có đói hay no cũng đâu có ai biết. Mà cũng đúng, con dâu thôi mà, một người dưng đến chung sống thì sao có thể hòa nhịp được, con dâu cũng chỉ là người dưng mà thôi. Ngày xưa thì mẹ chồng bảo để ra ngoài rồi dưỡng, chứ bồi bổ bên trong thì lại béo phì. Còn ngày nay, hết kêu uống sữa lại dặn dò tẩm bổ. Suy nghĩ của mẹ chồng tôi thay đổi đến ngạc nhiên. Ngày xưa, đi làm về là tôi đói run tay, nhưng vẫn ráng phụ cơm nước vì nhà chồng tôi có bao giờ nấu sớm đâu, ăn xong phải ráng dọn rửa xong xuôi thì mới dám lên tắm rửa ngủ nghỉ. Còn ngày nay, "con bầu bì thì nghỉ đi, đừng làm" "tội nghiệp, nó có bầu nhìn mệt mỏi quá". Ngày xưa chắc tôi là trâu bò không biết mệt nhỉ !
Đôi khi tôi nghĩ, nếu có một cơ hội để chọn lại, tôi sẽ đi hướng khác. Ngày xưa tôi suy nghĩ quá đơn giản, và cũng vì quá tin người nên bây giờ tôi luôn hối hận. Mẹ chồng, tôi đã đoán trước bà đối với tôi tốt chỉ để cho chồng tôi thấy. Khi có chồng tôi, bà nói khác, còn khi nói riêng với tôi, thì bà luôn muốn tôi làm theo những gì bà đã nói. Tôi đã thật sự làm theo chỉ dẫn của bà, để bây giờ mới thấy mình thật ngu dại. Người ta có coi mình ra gì đâu, vậy mà... Có khi tôi mãi suy nghĩ về cuộc đời mình rồi quên rằng tôi đang cần làm gì. Tôi thương chồng mình, nhưng tôi cảm thấy ghét vì chính chồng tôi đã đưa tôi vào ngõ cụt này.
Bây giờ chỉ có con trai là niềm an ủi duy nhất của tôi mà thôi.

Jun 25, 2012

Vẫn buồn...

Biết đến khi nào tôi mới thôi buồn phiền, biết đến khi nào tôi mới có được cuộc sống hạnh phúc và bình yên như tôi đã từng mong? Tôi đã từng mơ ước có một cuộc sống bình dị bên cạnh chồng và các con, nhưng nó thật xa vời. Ai cũng nghĩ tôi đang sống rất tốt, rất hạnh phúc, có lẽ cả chồng tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng có ai hiểu được bên trong cái vỏ bọc đẹp đẽ đó lại là sự chịu đựng của tôi. Tôi đã sống như vậy và đã hoài nghi không biết đây có còn là tôi nữa không. Tôi đã học được cách nói dối để được yên ổn, đó là điều trước kia tôi chưa từng làm, ít nhất là đối với những người trong gia đình mình. Nếu như trước kia tôi nghĩ nói dối là một lỗi lầm không nên có, thì giờ đây, nói dối là cách tôi dùng để tránh phiền phức ngay trong căn nhà tôi ở. Không biết từ lúc nào, con trai bé bổng trở thành niềm vui và hạnh phúc duy nhất mà tôi cảm nhận được. Tôi luôn mong có được 1 đứa con gái, nhưng lại sợ cho tương lai của con, nếu giống như tôi bây giờ thì tôi không nên sinh con gái sẽ tốt hơn. Nếu như trước đây tôi luôn tin tưởng chồng mình, thì bây giờ, tôi luôn nghi ngờ sau mỗi lời anh ấy nói. Tôi đã bị sốc nhiều lần vì tin những gì chồng tôi nói. Nhiều lúc tôi ước gì mình có thể mang con trai đi thật xa, để sống lại những ngày vui vẻ hạnh phúc. Chồng tôi luôn nói tôi đối với anh là người quan trọng nhất. Nhưng bây giờ tôi cũng không còn quan tâm điều đó là thật hay lại là một lời nói dối. Có lẽ tôi thích hợp sống cuộc đời độc thân cùng con trai. Nếu như ngày xưa, mỗi lần buồn tôi đều chia sẽ với chồng, thì giờ đây, tôi chẳng còn ai để bày tỏ. Có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ biết tôi đã và đang chịu đựng như thế nào. Tôi đã luôn chờ một cuộc cãi vả để có lí do rõ ràng cho sự ra đi của mình khỏi căn nhà đó, nhưng tôi chưa có cơ hội, hay là không tìm được cơ hội. Tôi đã thật sự hối hận vì một quyết định không chín chắc của mình. Và tôi không còn cơ hội để bắt đầu lại, hay tại tôi không có can đảm để bắt đầu lại.

Apr 16, 2012

Câu chuyện ngày vượt cạn.




Sau một thời gian khá dài, bây giờ mẹ mới thảnh thơi ngồi viết tiếp những dòng tâm sự cho con.
Nhớ lại thời gian qua, thật không dám tin mọi chuyện đều là "bất ngờ".
Mẹ dự đình ngày 10/12/2011 sẽ xin nghỉ để chờ sinh, nhưng không ngờ, ngày 3/12 thì mẹ đã không còn đi được nữa. Vừa hết giờ làm, mẹ vừa quẹt thẻ tan ca xong thì chân không nhích được tí tẹo nào được nữa. Ba phải chạy xe lại rồi cố đỡ mẹ ngồi lên để đi về, về đến nhà, mọi người xúm lại lôi mẹ vào (chân của mẹ hoàn toàn không nhấc lên được), ngồi yên trên ghế, mẹ nghe con đạp và mẹ vẫn yên tâm, ngồi 1 lúc lâu mà chân mẹ chẳng có gì thay đổi thế là quyết định qua bệnh viện Mỹ Phước II khám bệnh. Trước lúc đi, mẹ muốn đi toilet, thế là ba và cậu út mỗi người 1 bên khiêng luôn cái ghế mẹ ngồi. Rồi ba phải đỡ mẹ ngồi xuống, xong rồi 2 người lại khiêng mẹ ra, ba lái xe về đậu ngay sát cửa rồi tiếp tục khiêng mẹ ra, từ từ đỡ mẹ ngồi vào xe. Những lúc ngồi mẹ chẳng cảm thấy đau đớn gì cả, mẹ bị đau chân bên trái, và rồi cả chân phải cũng đau theo. Qua bệnh viện cách nhà hơn 1 phút chạy xe, ba vào mượn cái xe đẩy, bà nội thì làm thủ tục này nọ. Sau một hồi khám, người ta bảo phải nhập viện theo dõi, mẹ không muốn nhưng cũng phải chịu thôi. Từ tối thứ 6 đến sáng chủ nhật, mẹ cảm thấy thời gian dường như dài vô tận. Ở bệnh viện này, nhân viên bác sĩ đều phục vụ tận tình, chỉ là hơi thiếu chuyên môn đối với trường hợp của mẹ, bác sĩ cứ bắt mẹ phải cố gắng vận động nếu không sẽ bị liệt, mẹ sợ lắm nên cố gắng đến hết sức, mệt thì nằm, có tí sức là lại đứng lên bám tường từ từ lê chân đi. Ngày thì bà nội ở với mẹ, đêm thì ba canh, ông bà ngoại thì lên thăm sáng thứ 7 rồi chiều về. Mẹ không chịu nổi nữa nên ba quyết định chuyển vào Từ Dũ. Sáng chủ nhật, chuẩn bị vào tp. Nằm 2 đêm ở bệnh viện, tóc tai mẹ bị mồ hôi làm dơ hết. Thế là bà nội và ba xách nước lại giường gội đầu cho mẹ luôn. Gội xong thấy thoải mái hơn nhiều. Vào Từ Dũ, ông bà ngoại đã ngồi chờ sẵn từ lúc nào, ba chạy xe lên chỗ cấp cứu, vừa nghe trường hợp của mẹ là cô nhân viên lấy xe đẩy ra ngay, nhưng sau đó không cho người nhà vào phòng khám, mẹ đã rất khó khăn để đứng lên nên mấy cô y tá vội đỡ mẹ, lên được giường khám mẹ thở phào 1 cái, nằm hồi hộp. Đến khi khám xong, người ta cho biết chưa đến ngày sinh nên cho về, lúc này mấy cô y tá đã chuẩn bị giường đẩy vào, mẹ từ từ nhích qua giường để người ta đẩy ra ngoài, thật là đau đớn. Bác sĩ ở đây chuyên nghiệp hơn, vừa nhìn là họ biết ngay mẹ bị gì, họ không bắt mẹ tập đi nữa, bảo là không đi cũng không sao, khi nào sinh xong rồi tập đi. Bà ngoại muốn xin cho mẹ nằm lại dưỡng chờ sinh, nhưng bệnh viện quá tải nên người ta không cho. Nhìn bà ngoại sốt ruột cũng tội, vì vậy lúc nào mẹ cũng cười tươi. Lúc ra về, ba bế mẹ lên xe, mẹ đã khóc vì quá đau, nhưng rồi nín ngay vì sợ mọi người lo lắng thêm.
Về lại Bình Dương, ba phải khiêng giường của chú Quốc xuống đặt cạnh chân cầu thang cho mẹ nằm vì không thể đưa mẹ lên phòng. Trên chiếc giường đó, mẹ cứ hết nằm lại ngồi, mỗi lần đổi tư thế lại khiến mẹ sợ hãi nhưng phải chịu thôi, nằm lâu hay ngồi lâu đều mỏi mệt. Mấy ngày đầu mẹ còn phải dùng bô vì không đi vào toilet được, nhưng dần dần mỗi ngày 1 chút, mẹ cố gắng đứng lên rồi nhích từng chút một, thế là mẹ đã có thể tự đi vệ sinh, nhưng mẹ đi lùi và tay kéo theo cái ghế nhựa để có chỗ bám. Mẹ ăn uống tại chỗ, khi nào cả nhà muốn cùng ăn thì lại đặt mẹ ngồi lên ghế rồi khiêng. Nằm ở nhà thật buồn chán, mẹ muốn đi tới đi lui nhưng thật khó khăn. Trên cái giường nhỏ, buổi tối ba cũng nằm ngủ với mẹ vì sợ mẹ buồn. Thời gian trôi qua dài đằng đẵng, rồi đến ngày 8/12, khi kim đồng hồ 3:30, mẹ đi vào toilet, và mẹ phát hiện bị vỡ ối. Bà nội gọi báo cho ba về gấp, rồi ba về chuẩn bị, mẹ phải lót khăn vì nước ối ra hoài. Ba chở mẹ và bà nội vào Từ Dũ, đến nơi đã thấy ông bà ngoại ngồi trước cửa chờ đợi. Rồi người ta đẩy mẹ vào phòng chờ sinh, không cho người nhà tiếp cận luôn, giống như bị cách li vậy đó. Mẹ thay đồ của bệnh viện, rồi người ta lấy đồ của mẹ chuyển xuống cho người nhà. Từ 8g tối, mẹ đã thấy đau đau, nhưng ráng chịu đau, mẹ không dám ăn cũng không dám uống vì sợ phải đi toilet, nhìn bao nhiêu người rên la, làm mẹ cũng nôn, mẹ cứ nghĩ sẽ cố gắng không la như họ, nhưng rồi đến 11g, 12 giờ, những cơn đau dữ dội bắt đầu, mẹ đã mệt nhưng vẫn la được, đến khoảng 3g sáng mẹ xin bác sĩ cho mổ vì mẹ không thể nào chịu nổi, người ta đau người ta đi tới đi lui được, còn mẹ, mẹ đau mà chẳng làm gì được, cứ nằm chịu, mẹ cố gồng ngồi dậy, đau quá lại nằm xuống, chỉ có thế thôi, rồi mỗi lúc mẹ la càng lớn, khiến ông bà ngoại, bà nội và bà Thư và cả ba lúng túng, lo lắng ở bên ngoài. đến 5:15 sáng, bác sĩ cho người đẩy mẹ vào phòng sinh, lúc này mẹ đã rất mệt, những cơn đau dữ dội hành hạ. Rồi bà Thư vào, lên giường sinh tự nhiên tay chân mẹ tê cứng không cử động được, bà Thư phải nắn bóp cho mẹ. Đến 5:45 thì con chào đời, có lẽ cuộc hành trình của mẹ con mình quá dài, nên cả mẹ và con đều mệt, tiếng khóc chào đời của con cũng nhỏ. Nhìn thấy con như con chuột, mẹ vui lắm, nhưng chẳng còn chút sức lực nào hết, mẹ nằm im. Mẹ được chuyển ra phòng ngoài nằm đợi con. Khi người ta đẩy các bé vào phòng, bà nội bà ngoại chạy lại xem và bà ngoại chỉ đúng con luôn, nhưng lúc nhận con, ai cũng lắc đầu chê con trông dơ quá, chắc lúc tắm cho con bệnh viện bị mất nước. haha... Bà ngoại đi mua cháu đúc cho mẹ ăn. Ba chở bà nội về nhà ông bà Cố nghỉ ngơi, còn lại ông bà ngoại ở với mẹ. Đến trưa thì người ta cho chuyển xuống phòng nằm, ông bà ngoại đăng ký cho mẹ phòng máy lạnh 2 người nhưng không có, cuối cùng là vào phòng quạt 3 người, càng ít người càng thoải mái. Mẹ chưa có đủ sữa cho con, con cứ năm im hoài, không la hét, không khóc lóc, đến chiều thì bà ngoại sốt ruột quá, đi mua lon sữa cho con rồi lên pha, đúc con uống, thế là tối đó, con khóc to hơn, có lẽ no bụng nên khỏe rồi. Tội nghiệp con trai của mẹ. Bà ngoại bỏ bé My ở nhà nhờ bà Cố chăm sóc rồi lên chăm sóc mẹ. Đến chủ nhật thì về nhà ngoại. Và sau đó cũng xảy ra rất nhiều chuyện khiến mẹ khổ sở đến bây giờ... (Đó là chuyện vợ chồng cậu ba Xuân)