Apr 1, 2009

The Joy of Living - Dying in Peace


Khi chúng ta có một đời sống tích cực và có ý nghĩa, thì lúc hết đời - dù ta không mong đợi cái chết - ta cũng dễ chấp nhận nó là một phần của đời ta. Ta sẽ không tiếc hận gì cả. Bạn có thể hỏi phải làm sao để cho cuộc sống có ý nghĩa? Cuộc sống của người ta không phải là để mang đau khổ tới cho ta và kẻ khác. Loài người là một sinh vật có đời sống xã hội, hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào nhiều nhân duyên. Nếu ta sống hòa hợp được với thực tại, là ta sống có ý nghĩa.


Chúng ta không thể sống một mình. Ta cần phải có đủ thức ăn, quần áo và chỗ ở. Tất cả những thứ này có được là nhờ sự cố gắng của nhiều người khác. Hạnh phúc căn bản của chúng ta tùy thuộc người khác. Sống cho thích hợp với thực tại này là một cuộc sống có ý nghĩa. Vì hạnh phúc của ta có liên hệ vào người khác, nên ta phải chăm sóc họ. Nhưng thường thì chúng ta tưởng như chính mình là người đã tạo mọi thứ.


Chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn, dù rằng điều ta quan tâm nhất vẫn là sự an vui của chính mình. Khi chúng ta có cái nhìn rộng rãi, tự nhiên là chúng ta sẽ để ý và tận tâm hơn với người khác. Ðây không phải là chuyện gì thiêng liêng và thần thánh. Chuyện giản dị chỉ là vì tương lai chúng ta tùy thuộc vào người khác rất nhiều. Quan điểm này không những thực tế mà nó còn là một thứ đạo đức thế gian. Giải quyết vấn đề bằng cách dùng sức mạnh là kết quả của chuyện coi nhẹ quyền hạn và quan điểm của kẻ khác. Con đường bất bạo động có tính cách nhân bản, vì nó đưa tới đối thoại và hiểu biết. Người ta chỉ đối thoại được khi có lòng kính trọng nhau, hiểu biết nhau trong ý hướng hòa giải. Ðây là cách sống sao cho có ý nghĩa.


Bình thường khi nói về tinh hoa của đạo Bụt, tôi hay nói về chuyện ta cần giúp đở người khác, hoặc í t nhất, cũng không làm hại người khác. Ðó là điều căn bản của Phật pháp. Thực tế mà xét, đây cũng là điều chánh đáng. Nếu một cá nhân có liên hệ từ ái với người khác, thì lâu dài, thế nào người đó cũng trở thành một con người sung sướng hơn. Những hành động bất thiện dù cho có đem lại lợi lộc tức thì, nhưng trong thâm tâm, bao giờ bạn cũng cảm thấy khó chịu. Thái độ từ bi không phải chỉ thuần là những cảm xúc thương xót thụ động.


Trong xã hội cạnh tranh tân tiến này, đôi khi chúng ta sẽ phải cứng rắn. Nhưng chúng ta có thể cứng cỏi đồng thời vẫn từ bi. Khi một con người sống như vậy, tới cuối cuộc đời, tôi chắc chắn rằng họ sẽ chết một cách hài lòng, không tiếc hận. Trong quan điểm tâm linh, nghĩ tới cuộc đời hay niên kỷ dài dặc sẽ cho ta cái nhìn khác về sự chết. Trong ý niệm ta sống qua nhiều kiếp, thì cái chết chỉ như thay đổi quần áo mà thôi. Khi áo quần đã cũ rách, chúng ta đổi lấy cái mới. Ðiều này ảnh hưởng tới thái độ của ta đối với cái chết. Nó làm phát khởi, biểu hiện quan niệm chết là một phần của cuộc đời. Tầng tâm thức thô thiển tùy thuộc vào bộ óc của chúng ta, nó chỉ tồn tại khi bộ óc còn làm việc. Ngay khi bộ óc ngưng là thần thức này ngưng. Trí óc ta là điều kiện để cho tầng tâm thức này biểu hiện. Nhưng phần lớn của tâm thức tinh tế thâm sâu tiếp tục hoạt động. Phần này vô thủy vô chung (không có bắt đầu cũng không có kết thúc).


Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 Dịch: Chân Huyền


No comments:

Post a Comment